Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Cuộc Gặp Gỡ Với Nhà Thơ Phạm Thiên Thư



Kính thưa Thầy Cô,
Các bạn thân mến,
Trong những ngày còn đi học, vào những năm 70 chúng ta thường được nghe những bài nhạc dược phổ từ thơ, đã làm xao xuyến bao trái tim đang lớn. Cho đến bây giờ chắc chắn trong chúng ta vẫn có nhiều bạn còn nhớ và nghêu ngao các ca khúc của Phạm Duy, viết từ thơ của nhà thơ Phạm Thiên Thư, để thấy lòng bồi hồi nhớ về Thầy Cô và trường cũ với bao kỷ niệm thân thương. Mặc dù đã mấy mươi năm trôi qua, trái tim tụi mình đã già và chai lì theo năm tháng với bao biến cố của dòng đời.
Thời gian gần đây nhờ có diễn đàn này mà tụi mình lại được gặp nhau, tạm quên đi mọi lo toan khó nhọc "cơm, áo, gạo, tiền" để  có dịp tỏ lòng biết ơn Thầy Cô, để vui cười với nhau, và nhất là dạy nhau tập tễnh làm thơ. Đôi khi sai vần, lạc điệu vẫn cứ làm, để có cơ hội được làm tám với nhau. Cuộc đời vì thế bỗng thú vị và vui hơn biết bao nhiêu, dù cũng có lúc có chút xíu gì đó làm ta có vẻ hơi hờn hờn như ngày còn bé, nhưng rồi lại hiểu và càng thân nhau hơn phải không các bạn già thân yêu ơi.
Bây giờ Nam Đà xin nhường lại cho cô bạn có tính lãng mạn từ ngày còn đi học. Bạn Hồng A sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc gặp gỡ đầy thú vị với nhà thơ lớn Phạm Thiên Thư, mà Nam Đà cứ tưởng là bạn của Thanh Hương ke... ke...
                  Hỏi con vạc
                  đậu bờ kinh
                  cớ sao lận đận cái hình không hư
                  vạc rằng
                  thưa bác Thiên Thư
                  mặc chi cởi áo
                  thiền sư ỡm ờ
                      (thơ Phạm thiên Thư)
NamĐà viết lúc 2h sáng 27 tháng 3 năm 2012



Cuộc gặp gỡ với Nhà thơ PHẠM THIÊN THƯ
9g30 sáng ngày thứ bảy 24/03/2012 Thanh Hương hẹn gặp Nam Đà và Hồng uống café ở một quán “hay lắm”. Đi loanh quanh một hồi đến nơi, quán Hoa Vàng trong cư xá Bắc Hải. Con đường yên tĩnh, ít xe cộ qua lại. Quán nhỏ đối diện là lề đường tỏa mát bóng cây, ngồi uống café ở đây rất tuyệt, không gian lắng đọng có thể ngắm được một góc mây trời ở đất Sài Gòn phồn hoa, náo nhiệt này. Nam Đà và Hồng rất bất ngờ vì chưa biết là sẽ hân hạnh được gặp gỡ nhà thơ lớn của Việt Nam: thầy Phạm Thiên Thư, tác giả những bài thơ trẻ và lạ làm rung động bao trái tim của những người ở thế hệ tụi mình… Hồi còn đi học, Hồng ngưỡng mộ nhà thơ Phạm Thiên Thư lắm! (Cũng vì vậy Hồng cũng đã làm thơ từ ngày đó dù  chỉ là" thơ thẩn").
Như ca khúc trữ tình “Ngày xưa Hoàng Thị”, lời thơ gần với thơ dân gian được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
                   Em tan trường về
                   Đường mưa nho nhỏ…
Hoặc hình ảnh của anh chàng trí thức ngang ngược trong bài “Đưa em tìm Động Hoa Vàng”:
                   Rằng xưa có gã từ quan
                   Lên non tìm động hoa vàng…
Dưới bóng cây râm mát, thầy ngồi an nhiên tự tại. Mặc dầu đã 72 tuổi nhưng thần thái linh hoạt, bước đi nhanh nhẹn, trông còn tráng kiện lắm, đọc sách không cần đeo kính lão. Sau lời giới thiệu của Thanh Hương, Hồng và Đà chào thầy, rất vui mừng vì cuộc gặp duyên kỳ ngộ này. (Nam Đà giật mình  vậy mà cứ tưởng bạn làm thơ với Thanh Hương)
Phong cách thân thiện, ăn mặc giản dị, thầy trò chuyện với tụi Hồng về tiếng thơ, tiếng cười, tiếng đời. Thầy có nhiều kỷ lục độc đáo như thi hóa kinh Phật, làm tự điển cười như một liệu pháp chữa bệnh và chẳng quan tâm đến công danh. Thầy có một niềm yêu thích duy nhất đó là đi làm từ thiện.
Cuối tháng 6/2011 thầy và nhạc sỹ Phạm Duy đã tổ chức buổi thơ nhạc “Chắp cánh ước mơ” gây quỹ xây dựng trường cho trẻ tự kỷ tại khu Văn Thánh Sài Gòn rất thành công.
Thầy vui vẻ tâm sự về ba cuộc hôn nhân của thầy, những điểm tương đồng giữa thầy và cố thi hào Nguyễn Du. Những tác phẩm đã xuất bản có tập thơ “Đoạn trường vô thanh” đoạt giải nhất năm 1973 nhưng thầy không đi nhận giải thưởng. Động Hoa Vàng là tập thơ lục bát – rất Việt Nam “thơ chỉ đi một mạch không từng dứt, mạch chuyển như suối chảy xuôi" (Tam Ích), và người đọc thì cứ ngây ngất, phiêu bồng, lãng đãng.
Ngoài ra, thầy còn sáng tạo ra phương pháp chữa bệnh hạn chế dùng thuốc để cứu giúp những người nghèo khổ không có tiền mua thuốc đắt tiền gọi là Điển công Phattata (Pháp Thân Tâm).
Thầy mời dùng một đĩa sim rừng tím ngọt, lần đầu tiên Hồng được ăn đấy, lại nhớ đến câu ca dao:
               Đói lòng ăn nửa quả sim
               Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Hương, Hồng, Nam Đà chào thầy ra về, xin hẹn gặp lại vào hôm sau.
Trưa hôm sau, chủ nhật ngày 25/03/2012 Hồng và Nam Đà đến gặp lại thầy Thư, xin chữ ký của thầy ghi trong tập thơ Động Hoa Vàng và xin được chụp hình lưu niệm với thầy.

Niềm vui cứ dâng trào vì được gặp gỡ nhà thơ lớn mà Hồng lâu nay hằng ngưỡng mộ!
Hồng A

Tái bút: Nam Đà nghĩ là "Nói có sách mách có hình", nên trưa sài gòn trời nắng chang chang, cũng ráng chở Hồng A đi xin chữ ký và chụp hình lưu niệm vói Nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đến nơi ông đang ngủ. Hai tên ái mộ bèn ngồi uống "rượu" trắng làm thơ giữa cái nắng của mùa hè đỏ lửa  ke... ke... Các bạn đón coi những vần thơ nóng hổi này nhe!!!



Nam Đà và Hồng A bên cạnh thi sĩ Phạm Thiên Thư

Thi sĩ Phạm Thiên Thư đang ký vào tập thơ Động Hoa Vàng

Nam Đà và Hồng A với tập thơ Động Hoa Vàng
có chữ ký của thi sĩ Phạm Thiên Thư


Một số bài thơ được phổ nhạc của nhà thơ Phạm Thiên Thư 
- Ngày Xưa Hoàng Thị (Thái Thanh):  http://www.youtube.com/watch?v=nfFfdZTMjV4
- Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng (Thái Thanh):  http://www.youtube.com/watch?v=gGHcrTJHMfs
- Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu (Đức Tuấn):  http://www.youtube.com/watch?v=jqBVfb8RauU
- Em Lễ Chùa Này  (Lệ Thu):  http://www.youtube.com/watch?v=pskXu233hX8
- Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển (Thái Hiền):  http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=mRAppGJvWv
- Guốc Tía (Khắc Dũng):  http://www.youtube.com/watch?v=KBlYGfq-IYY
- Đôi Mắt Thuyền Độc Mộc (Khắc Dũng):  http://www.youtube.com/watch?v=zbEzkDTHYSc

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Cận cảnh pho tượng kì lạ nhất Việt Nam


Cận cảnh pho tượng kì lạ nhất Việt Nam
Có lẽ nhiều người ở Hà Nội không hề hay biết rằng giữa thủ đô có một bức "dị tượng" không giống với bất kì bức tượng Phật nào khác.

1420069024_120jpg1332732354
Chùa Hòe Nhai (Hà Nội) không quá xa lạ với những cư dân của thủ đô, đất tổ của phái Tào Động Việt Nam, nhưng có lẽ không nhiều người đã từng nhìn thấy bức tượng một ông vua đời Hậu Lê hàng ngày hàng giờ phủ phục, và trên lưng ông, là Phật Thích Ca.
418535971_212jpg1332732355
Pho tượng này là kết quả từ một cuộc pháp nạn của các tăng ni Phật giáo Việt Nam năm 1678. Khoảng thời gian hậu Trần đó, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo nữa, thay vào đó là Nho giáo thịnh hành hơn bao giờ hết.
339954154_33jpg1332732355
Đỉnh điểm là đến thời vua Lê Hy Tông đã có một sắc lệnh đuổi hết các sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị nặng nề. Đạo Phật khi đó đã phải trải qua một thời kỳ nhọc nhằn. Một trong số những hòa thượng đắc đạo pháp danh Tông Diễn, được biết đến với tên Tổ Cua, Tổ Cáy cũng bị buộc phải đi qua con đường hoặc sinh hoặc tử này.
1884678418_4jpg1332732356
Không cam tâm thấy tăng chúng phải trải qua pháp nạn quá nặng nề đó, hòa thượng Tông Diễn đã tìm cách len lỏi trở lại kinh thành Thăng Long, tìm cách giáo hóa vị vua Lê Hy Tông đầy quyền uy và kì thị, vị vua mà sau này, nguyện phủ phục dưới Phật để sám hối những lỗi lầm đã phạm.
2037781556_5jpg1332732356
Để cảm hóa được vua Lê Hy Tông, hòa thượng Tông Diễn đã cho một tấm biểu viết sẵn vào một chiếc hộp chuyển vào cho vua Hy Tông. Trong biểu chỉ có những điều đơn thuần dễ hiểu như: hãy nhìn vào đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...
106377070_6jpg1332732357
Vua Hy Tông mở chiếc hộp và đọc chiếu mới bừng tỉnh, cho vời hòa thượng Tông Diễn vào trò chuyện. Sau khi nghe hòa thượng thuyết pháp, bèn rút lại sắc lệnh đã ban.
556843928_7jpg1332732357
Vua Hy Tông từ đây hết sức sửa mình, tự nguyện đề nghị với hòa thượng Tông Diễn rằng nên làm một bức tượng mà trong đó, vua phủ phục dưới Phật, để thể hiện sự sám hối và sửa mình một cách cẩn trọng của ông.
547174279_8jpg1332732357
Đây là bức tượng độc đáo nhất của văn hóa Phật giáo Việt Nam, mang tính cách Việt và lịch sử Việt, không nơi nào trên thế giới có một mã văn hóa như thế. Pho tượng này nằm ở một tầng cao về trí tuệ, một sự sửa mình để sống tốt hơn, một người ở cấp độ cầm quyền cao nhất cũng phải xem lại chính mình.

Theo Giáo Dục Việt Nam




Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Hai Bài Kinh Bát Nhã


C H T

Mời xem phim
Xuân hạ thu đông , rồi xuân
Tại đây
Phim Hàn quốc
Playlist 12 tập , bấm Play All


Tuần vừa qua, một cuốn phim Ðại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là : Xuân Hạ Thu Ðông ... rồi Xuân (1). Không phải là người sành điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông ... rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ, ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ ... trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non.
Thơ và đẹp là chuyện của phim. Bằng im lặng, cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói giữa ông thầy và chú tiểu. Chẳng có gì để nói giữa chú tiểu và cô gái. Giữa ba nhân vật là một chiếc thuyền, có khi có người chèo, có khi không có người chèo vẫn trôi, trôi từ bờ bên này qua bờ bên kia, từ thế giới bên ngoài không hiện diện qua thế giới ngôi chùa không ai cần nói với ai. Chiếc thuyền là nét động duy nhất giữa tĩnh lặng mênh mông, là vùng vẫy giữa lắng đọng. Nói gì ? Có gì để nói ? Nói gì giữa chú tiểu và cô gái ? Chuyện xảy ra là chuyện tất nhiên, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua trên mái chùa.
Mới hôm qua, mùa xuân, chú tiểu hãy còn là búp măng, con ai đem bỏ chùa này, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít. Hôm nay, khi cô gái đến, tuổi đời của chú đã bắt đầu vào hạ. Ðất trời ấm mùa hạ, cô gái ấm mùa hạ, chú cũng vậy. Chuyện gì xảy ra tất phải xảy ra, chú tiểu hay ai cũng vậy thôi, đất đá cũng biết, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua.

Cô gái đến chùa để ở lại chữa bệnh. Khi đến, cô u sầu. Dưới mặt trời mùa hạ, trời ấm, người ấm, cô rạng rỡ. Ông sư nói: “Cô lành bệnh rồi đấy, về nhà được rồi”. Ông biết hết, nhưng thản nhiên, như không, có gì để nói? Cô gái xuống thuyền, thuyền đưa cô từ bờ bên này của núi non qua bờ bên kia của một thế giới chẳng ai biết. Ðó là thế giới chú tiểu sắp bước vào, bởi vì, sau khi cô gái đi, chú tiểu cũng khăn gói rời chùa, làm con bướm đuổi theo mùi hương. Trong khăn gói, chú cẩn thận nhét thêm tượng Phật. Nằm trong gói, chắc tượng Phật nói thầm : “chú tiểu ơi, chẳng sao đâu, chú đi như thế cũng tốt như ở, bình thường thôi, xuân hạ thu đông”.

Chùa hai người, bây giờ chỉ còn một. Một ông sư già và một con mèo con. Mặt trời dịu lại, mùa hạ cũng ra đi. Mùa thu dần đến, núi non vàng rực một màu.
Nhưng chẳng mấy chốc, chú tiểu trở về. Chú về với râu, với tóc, với tướng mạo hiên ngang của thanh niên đô thị. Và với con dao ! Con dao mà chú đã thọc vào cổ của người yêu bây giờ là người phản. Chú vào chùa, giận dữ bốc cháy người chú. Trong tay chú, con dao như muốn thọc vào cả núi non. Thản nhiên như không, ông sư càng già càng ít nói. Chỉ nói : “ Chú khổ thì người khác cũng khổ ”. Nghe chừng như chuyện khổ cũng tất nhiên, nói gì, có gì để nói, chỉ là xuân hạ thu đông.
Cũng tất nhiên, cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng. Sát nhân có dao. Dao ấy hươi lên trước súng. Máu sẽ đổ chăng ? Ðổ trên sân chùa ? Ðổ trên lưng ông già đang lom khom nắn nót viết chữ trên sân ? Ðâu có ! Không rời bút, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao. Dao hết là dao thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết cảnh sát, thanh niên hết râu tóc. Chỉ còn chữ viết trên sân. Với con dao đã buông, ông bảo chú thanh niên tiếp tục khắc chữ trên nền sân, khắc theo chữ ông viết. Chú khắc suốt ngày và suốt đêm. Khắc rách da tay, khắc kiệt sức. Khắc : sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị... Bài kinh Bát nhã.

Sáng hôm sau, cảnh sát dẫn chú lên thuyền qua bên kia bờ. Mọi chuyện xảy ra như chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nói nhiều, tất nhiên như thế. Trừ bài Bát nhã. .
Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ trắng núi non. Một mùa tuyết, hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, bỗng một hôm, giữa mùa tuyết như thế, một người đàn ông đứng tuổi hiện ra, đi từ bờ bên kia qua bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Cũng một người ấy thôi, mãn giấc bướm, mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Cũng một người ấy thôi, nhưng không phải người ấy nữa. Người ấy bây giờ là sư.
Có sư, chùa sống lại. Tượng được đặt trên bàn thờ, bế lên núi, ngự trên chóp đỉnh, tạc cả vào băng. Giữa băng giá, sư mình trần leo núi, thách đố với trời đất, thách đố với cả chính mình. Sư thắng. Sư đã từ giã bờ bên kia. Sẽ không còn ai biết sư là ai nữa, kể cả con thuyền khi hết băng giá sẽ nối lại hai bờ, kể cả chính sư. Nhưng từ giã cuộc đời bên kia đâu có phải là diệt nó. Trái lại, phải sống với nó. Mà cuộc đời ở bên kia cũng chẳng để cho sư quên sư đâu. Nó nhắc nhở hành trình của sư ở chính cái chỗ bắt đầu : ở tiếng khóc khi bắt đầu sự sống. Cho nên, giữa giá băng như thế, một buổi sáng, chùa chưa mở cửa, bỗng vang dội tiếng khóc sơ sinh trước sân. Một thiếu phụ, chẳng biết ai, dấu nước mắt, đem con lên bỏ chùa này, giao cho chùa giọt máu chắc hẳn là kết quả của một hạnh phúc không bền hơn sương tan đầu cỏ. Tiếng khóc! Trẻ thơ! Câu chuyện của chính ông sư, có lẽ của cả mọi người, sẽ lặng lẽ diễn ra hàng ngày trước mắt ông. Câu chuyện đó, ông đã quá biết rồi, cho nên có gì xảy ra chắc ông đều sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua trên mái chùa của ông.
Ðấy, băng giá tan rồi, mùa đông đã trôi qua, một mùa đông, hai mùa đông ...Rồi mùa xuân ! Trẻ sơ sinh đã thành chú tiểu nhỏ, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít đang bò ra khỏi hang. Chỉ chừng mươi mùa xuân nữa thôi là chú tiểu sẽ vào tuổi hạ. Coi chừng, chú sắp rút dao. Sắp khắc trên nền gạch :“có chẳng khác không, không chẳng khác có...” Nói gì nữa, có gì để nói ?...





Ðáng lẽ người kể chuyện chấm dứt ở đây. Nhưng xem phim mới lại nhớ phim cũ. Nhớ quá, không cắt hai phim ra được, cho nên phải thêm. Cũng tại bài kinh Bát nhã, năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư. Dứt trừ hết khổ ách, chân thật không hư. Tại sao bài kinh Bát nhã có công năng như vậy ? Tại vì kinh nhắc chữ có cho ai mê muội về không, nhắc chữ không cho ai mê muội về có. Cứ thử mê muội rồi thấm Bát nhã.
“Xuân Hạ Thu Ðông ... rồi Xuân” được sáng tác giữa thời đại mà dục tính phơi tràn trên màn ảnh. Ái dục là đề tài của phim, vấn nạn của nhân vật. Tôi không biết đạo diễn có lấy hứng từ phim cũ không, nhưng tôi liên tưởng đến một phim nổi tiếng của Nhật, Quái Ðàm (Kwaidan) (2), chiếu cách đây trên 35 năm, rút từ một chuyện thiền, chẳng có gì giống phim mới ngày nay, trừ bài Bát nhã. Chuyện như sau, tôi kể theo trí nhớ.
Một chú tiểu mù sống trong một ngôi chùa vắng với một ông sư già. Chú chơi đàn tỳ bà rất hay, tiếng đàn ai oán, ai nghe cũng rơi lụy. Một buổi tối mùa hè đầy sao, chú tiểu đang ngồi trước sân tư lự với sao trên trời, bỗng nghe bước chân lạ của ai đến bên cạnh. Tiếng áo giáp khua. Rồi giọng một võ sĩ : “Chú đừng sợ. Nữ chúa của ta nghe danh cây tỳ bà của chú nên bí mật tới đây cùng với cả triều đình của ngài để mời chú đến đàn cho nghe khúc nhạc kể lại trận thủy chiến ngày xưa xảy ra trong vùng này. Ta đưa chú đi”.
Chú tiểu ngần ngại quá, sợ kẻ lạ, sợ đêm khuya, thầy quở, nhưng võ sĩ nắm tay chú kéo đi. Chú được dẫn đến trước một cung điện nguy nga, tráng lệ . Cả một triều đình bá quan văn võ, quý tộc, công nương, lễ phục oai vệ, uy nghiêm, ngồi lặng yên chờ chú. Trên ngai, chủ trì một nữ chúa, trang phục cực kỳ lộng lẫy. Chú tiểu so dây, lựa khúc, gảy bản đàn nổi tiếng, rồi cất tiếng ca não nùng kể lại trận đánh. Cả triều đình thương cảm, rơi lệ.
Gần sáng, võ sĩ đưa chú về lại chùa, hẹn tối mai sẽ trở lại, sẽ đàn, sẽ yến tiệc, sẽ trả công, sẽ gả người đẹp cho chú, nhưng cấm chú tuyệt đối không được hé miệng kể cho ai nghe chuyện này.
Tối hôm sau. Lại tiếng khua của áo giáp. Lại võ sĩ đến tìm. Lại triều đình oai vệ. Lại đàn hát, nỉ non, ai oán. Trận thủy chiến hiện ra qua bài hát, giáo mác, lửa đạn, thây người, máu chảy, cả triều đình thất trận nhảy xuống sông, nữ chúa gieo mình xuống nước, tự vẫn ...
Ðêm hôm đó, đêm hôm sau, đêm sau nữa, cứ đến đêm là ông sư già để ý thấy chú tiểu ôm đàn ra khỏi chùa, đến gần sáng mới về. Ông thầy lo quá, thấy chú tiểu tái xanh, ngớ ngẩn, xa vắng; Chẳng lẽ chú tới nhà gái ? “Này, tiểu, nhỏ nào hớp hồn chú vậy?” Chú tiểu lắc đầu, câm miệng, khiến thầy càng nghi. Tối đó, sư cho người theo dò, nhưng lạ quá, tiểu đi như lướt trên đất, chẳng đường sá gì cả, vừa mới theo bóng chú đã lạc đâu rồi, mất hút. Quay về lối cũ, bỗng nghe thoảng ra, từ nghĩa trang gần chùa, tiếng tỳ bà. Vào nghĩa địa thì chú đấy, đang ngồi đàn một mình trước mộ hoang của phe thất trận thủy chiến ngày xưa. Mưa đẫm ướt áo, chú vẫn đàn say mê . Gọi, chú chẳng nghe. Lay, chú vẫn ngồi. Vẫn đàn, như không biết gì khác. Phải lôi chú, kéo chú về chùa.
Thế này thì tiểu bị ma bắt rồi - sư nói. Thất trận mấy trăm năm, oan hồn vẫn chưa tan. Vẫn triều đình, vẫn bá quan văn võ, vẫn nghi vệ oai phong, vẫn lộng lẫy nữ chúa. Vẫn thủy chiến. Dưới trời sao. Trước nấm đất hoang. Ông sư mài mực, chấm bút, bảo chú tiểu cởi hết áo quần, viết trên toàn thân kín mít chữ, từ chỏm đầu đến mút chân. Chú tiểu bây giờ chỉ còn là bài kinh biết đi, sắc bất dị không, không bất dị sắc ... Sư nói : “tối nay nó lại đến tìm chú nữa đấy ; cứ tĩnh tọa chú Bát nhã”.

Tối, võ sĩ lại đến, nhưng chẳng thấy chú tiểu đâu cả, chỉ thấy cây tỳ bà vẫn gác nơi vách. Nhìn quanh cây đàn, trống không, chẳng bóng ai, nhưng ô kìa, sao lại có hai cái tai vễnh lên trước mắt, đúng là tai của chú tiểu. Võ sĩ kéo tai ; chú tiểu nhịn đau, chú Bát nhã. Không làm được gì hơn, võ sĩ rút gươm, cắt tai, mang đi. Sư phụ ơi, sư phụ ơi, người đã tuyệt vời năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư kín mít toàn thân, từ chỏm đầu đến mút chân, chỉ quên khuấy yết đế trên hai tai !


Không mắt, không tai, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, chú tiểu bây giờ chỉ còn là cây đàn, tai mắt chú là cây tỳ bà, cây tỳ bà là tai mắt chú, người và đàn là một. Trong chuyện thiền mà cuốn phim lấy hứng, chú tiểu trở thành danh cầm bậc nhất thiên hạ.
***
Hai phim, hai chuyện chẳng giống gì nhau, chỉ cùng mượn hứng từ bài Bát nhã. Sự đời ! Trăm vạn chuyện khác nhau đến mấy, rốt cuộc rồi cũng một chữ ấy mà thôi, không ngộ thì mê, không mê thì ngộ, nói gì, có gì nữa để nói ?
Tác giả
C H T
(1) Printemps, été, automne, hiver... et printemps (tên Hàn ngữ là Bom, yeorum, gaeul, gyeowool, geurigo, bom, 2003), đạo diễn : Kim Ki-Duk
(2) Phim của Masaki Kobayashi, Nhật Bản (1964). Câu chuyện tác giả kể lại là một trong 4 chuyện hợp thành cuốn phim
Kwaidan
 
 
BichHanhTran
 
(MinhKhuê sưu tầm)

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

QUÁN CHIẾU HẠNH PHÚC




 
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh.

Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.

Bài quán chiếu dưới đây nhắc bạn nhớ lại những viên ngọc quý mà bạn đã có, chỉ cần lấy ra dùng là sẽ có hạnh phúc. Sau đây là 7 điều quán chiếu hạnh phúc:

1/ Ta đang còn sống
2/ Ta có sức khỏe
3/ Ta có đủ sáu căn
4/ Ta có tự do
5/ Ta có tiện nghi vật chất
6/ Ta có tình thương
7/ Ta có sự hiểu biết

1/ Ta đang còn sống
Trên đời này quý nhất là sự sống. Tất cả sinh vật từ côn trùng, sâu bọ, thú vật cho đến con người, loài nào cũng tham sống sợ chết. Giả sử bây giờ phải lựa chọn giữa trúng số độc đắc mà chết và sạt nghiệp mà sống thì bạn sẽ lựa cái nào? 
Ở đời ai cũng lo đi tìm tiền của, nhưng thật ra tiền của chỉ để bảo đảm sự sống an toàn, tiện nghi. Có nhiều người giàu sang sẵn sàng chi hết tiền của để cứu lấy mạng sống. Như thế đủ thấy sự sống quý hơn tiền bạc, quý hơn gấp trăm ngàn, triệu ngàn lần. Ngay cả một tỷ đô la cũng không mua nổi mạng sống khi bị bệnh ung thư hay sida (aids). Vậy mà sáng nay mở mắt thức dậy còn sống, bạn có thấy mình hạnh phúc không? Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sống đây. Còn sống thì còn tất cả.

2/ Ta có sức khỏe
Sự sống quý nhất trên đời, sức khỏe quý nhất trong sự sống. Có sức khỏe không có nghĩa là phải khỏe như lực sĩ thế vận hội mà chỉ cần không đau nhức, bệnh hoạn, không có bệnh trầm kha, nan y, v.v… Ở đời mấy ai tránh khỏi bệnh tật, không bệnh này thì bệnh nọ. Bệnh nặng như ung thư hay sida phải có thuốc giảm đau như morphine mới chịu nổi, nếu không thì đau đớn rên siết như bị hành hình ở địa ngục, bệnh nhẹ như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu cũng làm cho ta mệt mỏi, khó thở, đau nhức. Mỗi khi khỏe mạnh, không bệnh hoạn thì ta hãy mừng rỡ ý thức đó là một hạnh phúc. Có nhiều tiền mà bệnh hoạn liên miên, ăn không được, ngủ không yên, hết nằm nhà thương này đến nhà thương nọ, có tiền như vậy đâu có sướng !Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sức khỏe đây. Còn sức khỏe thì còn làm được tất cả.
3/ Ta có đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
Có nguời đầy đủ sức khỏe nhưng lại bị mù, điếc, hoặc câm, què, tàn tật, v.v… Những người này dù có tiền, có sức cũng đâu sung sướng gì ! Bạn có thể tưởng tượng nếu bây giờ bị mù thì bạn sẽ ra sao ? Chỉ cần nhắm mắt lại trong năm, mười phút đi tới đi lui trong nhà mình xem. Bạn có hiểu được nỗi khổ của người mù không ? Vậy mà bạn đang còn đôi mắt sáng thấy được trời xanh, mây trắng, tai nghe được chim hót, nhạc hay, mũi ngửi được mùi cơm thơm, miệng nói năng được với người thương, thân không què quặt, tâm không điên loạn. Như vậy còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ cần mất đi một căn thôi đời bạn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa. Dù ở trong cảnh khổ nào đi nữa, nhớ lại mình còn nguyên vẹn sáu căn cũng đủ an ủi và xóa tan đi mọi niềm đau.

4/ Ta có tự do
Tự do ở đây là không bị tù đày chứ không có nghĩa chính trị hay tôn giáo. Bởi vì theo giáo lý, tất cả chúng ta đều là tù nhân của ba cõi sáu đường. Chỉ khi nào thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực sự là tự do. Hiện tại bạn có đang ở tù không? Có đang bị trói buộc, xiềng xích không ? Có ai cấm bạn đi đứng nói năng, ăn uống không? Có ai đánh đập theo dõi kiểm soát bạn không ? Bạn có biết đời sống trong tù ra sao không? Dù đó là tù ở Pháp, ở Mỹ? Có thể bạn nghĩ tù ở các xứ văn minh giàu có thì sướng hơn ở xứ nghèo chăng? Ở Mỹ nhân viên cai tù không hành hạ tù nhân nhưng chính những người tù đánh đập, áp bức, hiếp dâm lẫn nhau rất dã man.Ngay bây giờ nhìn lại, bạn có thấy mình được tự do đi đứng nói năng không ? Nhớ ai thì lên xe rồ máy đi thăm, thèm ăn món gì thì ra chợ mua hoặc đi nhà hàng, v.v… Có biết bao người đang bị tù đày khổ sở, trong đầu chỉ ao ước được tự do như bạn là họ sung sướng lắm. Vậy mà đang sống tự do bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu không thì bạn hãy ý thức và nhớ lại đi, đừng để khi mất tự do rồi mới mơ ước thì quá muộn.
5/Ta có tiện nghi vật chất
Tiện nghi vật chất không hẳn là nhà cao cửa rộng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, v.v… Tiện nghi ở đây là những thứ căn bản mà phần đông chúng ta đều có, đó là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở che mưa nắng, không phải đi ăn xin, ngủ đầu đường xó chợ. Nhiều người ở Việt Nam vẫn tưởng rằng sống ở Pháp hay Mỹ chắc sướng lắm vì đầy đủ tiện nghi, họ đâu biết là ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo. Ngay tại Paris, thủ đô ánh sáng, hàng ngày vẫn có nhiều người ăn xin vô gia cư, tiếng pháp gọi là SDF (sans domicile fixe), ngửa tay đi xin tiền trong xe điện ngầm (métro), tối đến họ chui vào những gầm cầu thang để ngủ. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, bạn có đói đến nỗi thiếu ăn không ? Có nghèo đến nỗi không còn mảnh vải che thân ? Nếu chưa đến nỗi như vậy thì bạn hãy xem mình đầy đủ. Khi tâm biết đủ (tri túc) thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn đòi hỏi thì bao nhiêu cũng không đủ. Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc vì không thấy thiếu thốn, người tham lam keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo vì không bao giờ thấy đủ.

6/ Ta có tình thương
Nhiều người khổ sở vì cảm thấy cô đơn, không có ai thương mình hết. Không ai thương mình bởi vì mình đâu có thương ai. Khi trong lòng ta tràn đầy tình thương thì tự nhiên nó tỏa ra và mọi người sẽ tìm đến. Giống như mùa xuân hoa nở thơm ngát thì tự động ong bướm bay tới xung quanh. Ai cũng có một trái tim, tiếng Hán là tâm, bản chất của tâm (tim) là thương yêu. Ta có dư tình thương cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ cần nhớ lại mình có trái tim thương yêu và đem ra xử dụng. Nếu chưa nhớ thì bạn hãy thực tập phép quán từ bi ở phần trước.Hiện tại bạn có ai là người thân thương không?Có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè không? Có ai đang thương và lo lắng cho bạn không? Có tình thương, biết thương và được thương là một hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.
7/ Ta có sự hiểu biết
Hiểu biết ở đây là hiểu biết đạo lý chứ không phải kiến thức bằng cấp. Không kể người khùng điên mất trí, hoặc bị bệnh tâm thần mà ngay cả những người bình thường cũng chưa chắc có sự hiểu biết về nhân quả và đạo đức. Đầu óc ta còn sáng suốt, không điên khùng mất trí, lại gặp được Phật pháp, học hiểu giáo lý giải thoát, đó là một duyên lành hy hữu trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được.Nếu quán chiếu những điều trên chưa đủ để cho bạn hạnh phúc thì bạn cần phải “hạ sơn” đi vào cuộc đời để tiếp xúc với người sắp chết, người bệnh để thấy họ khổ ra sao, tiếp xúc với người tàn tật, người tù, người ăn xin, người cô đơn, người ngu cố chấp thì may ra nó sẽ giúp bạn tỉnh ngộ thấy mình hạnh phúc.

Thương Ghét
1) Ða số người thường suốt ngày sống trong sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý mình thì ghét.
2) Khi bắt đầu biết đạo thì tập tánh bình đẳng, không thương người này ghét người kia.
3) Sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương. Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều đời, và thấy ai cũng đáng thương hết.  


TạMạnhPhát sưu tầm

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012